Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm, dành cho những học sinh trung học đã đạt giải cao trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, để tìm ra những gương mặt xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế. Tên chính thức của kỳ thi là “Kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực”. Với riêng môn Toán, kỳ thi này còn thường được gọi bằng tên “Kỳ thi TST”, viết tắt của “Team Selection Test”.

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic là kỳ thi vô cùng khó khăn và mang tính cạnh tranh rất cao. Từ những học sinh xuất sắc nhất trên toàn quốc, kỳ thi chỉ chọn ra một đội tuyển gồm 4 đến 8 thành viên, tùy thuộc mỗi môn. Những thí sinh này sẽ tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế, với nhiều khả năng đạt giải, mở ra những cơ hội rất lớn trên con đường học vấn. Trong khi đó những thí sinh khác, dù cũng vô cùng xuất sắc, nhưng không có các giải thưởng quốc tế, có thể sẽ phải bước đi trên con đường ít thuận lợi hơn.

Với môn Toán, kỳ thi TST luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các trường trung học phổ thông chuyên, những học sinh giỏi cũng như các thầy cô.

Các em học sinh Trường Xuân Toán học 2018 tại Titan Hà Nội. Phạm Nam Khánh (bên trái) và Phan Minh Đức (bên phải) đều từng vượt qua Kỳ thi chọn đội tuyển và đạt huy chương bạc tại Olympic Toán Quốc tế. Ảnh: Titan Hà Nội.

Lịch sử

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1974, khi Việt Nam lần đầu tham dự Olympic Toán học Quốc tế. Khi đó, học sinh ba lớp chuyên toán của Bộ Giáo dục và một số tỉnh được triệu tập thi để chọn đội dự tuyển. Sau hai vòng thi, một đội dự tuyển gồm 9 thành viên được thành lập. Đội dự tuyển này được ôn luyện dưới sự hướng dẫn của sáu giáo viên hàng đầu, cùng những chế độ ưu đãi đặc biệt của thời kỳ đó. Sau khoảng thời gian ba tháng, một đội tuyển 5 thành viên được chọn ra để tới Cộng hòa Dân chủ Đức tham dự Olympic Toán học Quốc tế. Ngay tại lần tham dự đầu tiên này, đội tuyển Việt Nam đã giành được một huy chương vàng, một huy chương bạc và hai huy chương đồng.

Năm 1975, việc lựa chọn học sinh đi thi Olympic Toán học Quốc tế được tổ chức kỹ lưỡng hơn. Các tỉnh, thành phố của miền Bắc cùng ba lớp chuyên Toán của Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh gửi những học sinh xuất sắc nhất đến tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia. Dù không bị hạn chế số lượng, nhưng mỗi tỉnh chỉ cử khoảng 3 đến 5 học sinh tham gia. Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia gồm đến ba vòng thi, mỗi vòng các thí sinh phải giải quyết 7 bài toán trong hai buổi thi, mỗi buổi 240 phút. Từ hơn 100 thí sinh, kỳ thi đã chọn được 14 thí sinh vào đội dự tuyển. Những học sinh này được tập trung học ôn luyện và tiếp tục trải qua 22 kỳ kiểm tra, cùng một vài điều kiện khác, để chọn ra 8 thành viên chính thức của đội tuyển.

Trong một số năm tiếp theo, Bộ Giáo dục vẫn thành lập đội dự tuyển, trước cả Kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc, tập trung ôn luyện dài ngày rồi mới chọn ra đội tuyển chính thức. Sau một thời gian, việc chọn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế mới dần giống như ngày nay, thí sinh tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic phải vượt qua Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trước đó. Từ năm 1983, đội tuyển tham dự Olympic Toán học Quốc tế bắt đầu cố định với con số 6 thành viên.

Đội dự tuyển được thành lập một lần nữa vào năm 2005 đối với môn Toán. Trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Toán năm đó, hai bài và một phần trong sáu bài của đề thi có những phần trùng với đề thi chọn đội tuyển toán đi dự thi quốc tế năm 1997, đề thi của Hàn Quốc năm 2000 và đặc biệt có một bài trùng với đề thi chọn học sinh giỏi Hà Nội năm 2004. Sau những tranh cãi, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tập trung một đội dự tuyển gồm 9 thành viên, gồm 5 thành viên chính thức và 4 thành viên dự bị. Quyết định lựa chọn căn cứ vào kết quả thi của cả sáu bài và điểm thi của ba bài còn lại sau khi bỏ các bài có hiện tượng trùng lặp với các đề thi khác. Sau kỳ thi sát hạch tiếp theo, học sinh thứ sáu được chọn vào đội tuyển là Phạm Kim Hùng, người từng đạt huy chương vàng tại kỳ Olympic Toán học Quốc tế năm trước đó nhưng trượt ở kỳ thi đội tuyển chính thức. Thí sinh đã từng có tên trong danh sách đội tuyển ban đầu nhưng bị loại sau đó là Lê Đình Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Hải Dương. Tại Olympic Toán học Quốc tế 2005, đoàn Việt Nam đạt kết quả rất thấp so với nhiều năm trước đó, không có huy chương vàng và đứng thứ 15 toàn đoàn.

Với riêng môn Toán, từ năm 1974 đến 2023, đã có tổng cộng 282 lượt thí sinh được chọn vào đội tuyển quốc gia, tham dự Olympic Toán học Quốc tế. Trong số này, có không ít những thí sinh từng hai lần vào đội tuyển. Ngôi trường có nhiều học sinh tham dự đội tuyển Toán quốc gia nhất là trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với 88 lượt thí sinh. Những trường có thành tích cao tiếp theo là THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội, THPT Chuyên Lam Sơn, Trường Phổ thông Năng khiếu, THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên cũng là nơi đóng góp nhiều huy chương vàng nhất cho đội tuyển Việt Nam, với 31 huy chương.

Danh sách các trường và số học sinh được chọn vào đội tuyển Olympic Toán

Thống kê được tính theo số lần đối với những học sinh nhiều lần vào đội tuyển. Số liệu tính đến năm 2023.

Trường
Tỉnh
Số học sinh
Trường THPT Chuyên KHTN, ĐHQGHN Khác* 88
Trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội Khác* 41
Trường THPT Chuyên Lam Sơn Thanh Hoá 17
Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM Khác* 15
Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam Hà Nội 14
Trường THPT Chuyên Trần Phú Hải Phòng 14
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc Vĩnh Phúc 11
Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu Nghệ An 8
Trường THPT Chuyên, Trường Đại học Vinh Khác* 7
Trường THPT Chu Văn An Hà Nội 7
Trường THPT Chuyên Thái Bình Thái Bình 7
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng 5
Trường THPT Phan Chu Trinh Đà Nẵng 5
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định 5
Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế Thừa Thiên – Huế 5
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP. HCM 5
Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh Hà Tĩnh 4
Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương 4
Trường THPT Chuyên Hùng Vương Phú Thọ 3
Trường THPT Chuyên Bắc Ninh Bắc Ninh 2
Trường THPT Thái Phiên Hải Phòng 2
Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi Khánh Hoà 2
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hoà 1
Trường THPT Chuyên Bắc Giang Bắc Giang 1
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định 1
Trường THPT Long Thành Đồng Nai 1
Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu Đồng Tháp 1
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Phú Yên 1
Trường THPT Chuyên Quảng Bình Quảng Bình 1
Trường THPT Lê Khiết Quảng Ngãi 1
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Vũng Tàu 1
Trường Trung học Thực hành, ĐHSP TP. HCM Khác* 1
Không có thông tin 1

* Các trường đại học có đào tạo bậc phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tính là một đơn vị dự thi.

Đối tượng dự thi

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic dành cho những học sinh xuất sắc nhất Việt Nam, những người đã đạt thành thích cao trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cùng năm học hoặc đã vào đội tuyển Olympic của Việt Nam năm trước đó.

Theo quy chế của Bộ Giáo dục vào Đào tạo, thí sinh tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic là các học sinh đang học cấp trung học phổ thông và đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá 8 lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó. Ngoài ra, các em học sinh không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm, nhưng đã tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm trước đó cũng được tham dự.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tuyển chọn, triệu tập thí sinh tham dự kỳ thi. Số lượng thí sinh dự thi mỗi môn cũng do bộ quyết định theo từng năm, nhưng đảm bảo yêu cầu không vượt quá 8 lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển.

Các đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic quốc tế
Môn
Kỳ thi
Số thành viên
Toán học Olympic Toán học Quốc tế 6
Vật lý Olympic Vật lý Quốc tế 5
Vật lý Olympic Vật lý Châu Á 8
Hóa học Olympic Hoá học Quốc tế 4
Sinh học Olympic Sinh học Quốc tế 4
Tin học Olympic Tin học Quốc tế 4
Tin học Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương *

* Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức với hình thức thi trực tuyến. Chỉ một phần trong số học sinh tham dự được xét giải

Tổ chức kỳ thi

Đề thi

Quy trình soạn thảo đề thi chọn đội tuyển Olympic cũng giống như Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đều được quy định trong Thông tư Ban hành Quy chế thi chọn lọc học sinh giỏi cấp quốc gia, số 56/2011/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2011.

Hội đồng soạn thảo đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, với những chuyên gia khoa học, nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học hay các giáo viên giỏi cấp trung học phổ thông. Các thành viên của Hội đồng soạn thảo sẽ được cách ly, làm việc trong một khu vực kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt. Họ sẽ ở lại đây từ khi bắt đầu soạn thảo cho tới khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi. Bên cạnh đề thi chính thức, các Tổ ra đề còn soạn thảo đề thi dự bị cùng hướng dẫn chấm cho môn thi của mình.

Khác với đề thi của Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đề thi chọn đội tuyển Olympic có cấu trúc, phạm vi kiến thức tiếp cận với đề thi của các Olympic quốc tế và khu vực. Trong những năm gần đây, đề thi môn toán thường có sáu bài chia đều cho hai ngày thi, tương tự với đề thi của Olympic Toán học Quốc tế.

Ngày thi

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được tổ chức tại Hà Nội, vào khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư. Những năm gần đây, địa điểm thi (trừ môn Tin học) thường được đặt tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đường Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 2023, kỳ thi được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hội đồng coi thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập. Cục Quản lý chất lượng là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức coi thi. Thành viên Hội đồng coi thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thư ký và giám thị, Cán bộ kỹ thuật cùng công an, bảo vệ, cán bộ y tế, nhân viên phục vụ.

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có hai buổi thi đối với mỗi môn thi, riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm một buổi thi thực hành. Tất cả thí sinh của mỗi môn sẽ thi trong một phòng thi riêng.

Môn thi
Số buổi thi*
Thời gian**
Hình thức
Toán 2 270 phút/buổi thi Lý thuyết
Vật lý 3 240 phút/buổi thi Lý thuyết và thực hành
Hoá học 3 240 phút/buổi thi Lý thuyết và thực hành
Sinh học 3 240 phút/buổi thi Lý thuyết và thực hành
Tin học 2 300 phút/buổi thi Trên máy tính

* Các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học trong ba buổi thi, có một buổi thi thực hành. ** Thời gian thi của buổi thi lý thuyết.

Thời gian làm bài thi đối với môn Tin học là 300 phút/buổi thi, môn Toán là 270 phút/buổi thi, môn Sinh học gồm 180 phút tự luận và 60 phút trắc nghiệm/buổi thi, các môn còn lại là 240 phút/buổi thi. Thời gian làm bài của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học được thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chấm thi

Khác với Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có số lượng bài thi không lớn, như môn Toán có chưa đến 100 bài của cả hai ngày thi. Các bài thi sẽ được làm phách trước khi đưa đến các Tổ chấm thi. Ở đây, mỗi bài thi sẽ được ít nhất hai giám khảo chấm độc lập. Sau khi hoàn tất việc chấm thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt danh sách các thí sinh (theo số phách bài thi) được tuyển chọn vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Việc ghép phách, lên điểm thi chỉ được thực hiện sau đó.

Với những môn có tổ chức đoàn tham gia Olympic khu vực, đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế được tuyển chọn trong số các học sinh đã dự thi Olympic khu vực cùng năm, theo nguyên tắc:

  • Xếp thứ tự các học sinh có tổng điểm thi của kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và kỳ thi Olympic khu vực (điểm của hai kỳ thi quy đổi về cùng một thang điểm) từ cao xuống thấp để xét chọn, đảm bảo số học sinh được tuyển chọn bằng số thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế.
  • Trường hợp phải lựa chọn giữa các học sinh có tổng điểm của cả hai kỳ thi trên bằng nhau, học sinh có điểm thi cao hơn trong kỳ thi Olympic khu vực sẽ được chọn; trường hợp phải lựa chọn giữa các học sinh có điểm thi bằng nhau trong kỳ thi Olympic khu vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức cho các học sinh đó làm bài kiểm tra để lựa chọn.

“Giải thưởng”

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic không có giải thưởng cho các thí sinh. Tuy vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những ưu tiên dành cho các thí sinh tham dự và các thí sinh được chọn vào đội tuyển.

Những học sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic sẽ được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cùng với thành tích của Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trước đó, những thí sinh này sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học có ngành học phù hợp mà không phải trải qua bất cứ kỳ thi nào.

Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký và được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  • Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 1/VBHN-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 6 tháng 3 năm 2023.
  • Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 02/2023/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 6 tháng 1 năm 2023.
  • Thông tư Ban hành Quy chế thi chọn lọc học sinh giỏi cấp quốc gia, văn bản hợp nhất số 22/VBHN-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 25 tháng 8 năm 2014.
  • Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 37/2013/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 27 tháng 11 năm 2013.
  • Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 41/2012/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 19 tháng 11 năm 2012.
  • Thông tư Ban hành Quy chế thi chọn lọc học sinh giỏi cấp quốc gia, số 56/2011/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 25 tháng 11 năm 2011.
  • Quyết định Ban hành Quy chế thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa, số 18/2006/QĐ-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 11 tháng 5 năm 2006.
  • Thông tin toán học, Hội Toán học Việt Nam, tập 11 số 2, tháng 6 năm 2007.
  • Dấu ấn học sinh Việt Nam trên đấu trường trí tuệ thế giới, Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 7 tháng 8 năm 2014.
  • Đội tuyển Olympic môn toán sau sự cố trùng đề thi, Báo Nhân Dân, ngày 10 tháng 6 năm 2005.
  • Đi thi toán quốc tế, Báo Hà Nội Mới, ngày 29 tháng 6 năm 1975.