Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm. Kỳ thi hướng đến mục tiêu phát hiện những học sinh có năng khiếu và khuyến khích giáo viên cùng học sinh sáng tạo, học tập để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia khởi nguồn từ Kỳ thi học sinh giỏi Toán và Văn toàn miền Bắc được tổ chức lần đầu năm 1962. Sau năm 1975, kỳ thi được đổi tên thành Kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc. Từ đó tới nay, kỳ thi được mở rộng với nhiều môn thi và thể thức cũng có nhiều thay đổi. Với riêng môn Toán, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông còn được biết đến với tên VMO, viết tắt của “Vietnamese Mathematical Olympiad”.
Được tổ chức vào khoảng cuối học kỳ I, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dành cho các em học sinh THPT trên toàn quốc, với khoảng hơn 4 ngàn thí sinh mỗi năm. Đây là kỳ thi chính thống, danh tiếng, nhưng cũng khó khăn nhất ở Việt Nam. Những thí sinh đạt giải cao trong kỳ thi có cơ hội được tuyển thẳng vào các trường đại học và dành quyền tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, đại diện cho Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế.
Lịch sử
Năm 1962, kỳ thi chọn học sinh giỏi được tổ chức lần đầu ở miền Bắc Việt Nam. Theo thông tư Về việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi về một số môn học năm học 1961-1962 do Bộ Giáo dục ban hành do Bộ Giáo dục ban hành, các kỳ thi học sinh giỏi được tổ chức cho cả ba cấp học của hệ 10 năm khi đó. Kỳ thi có hai môn Văn và Toán, dành cho học sinh lớp 4 với phạm vi huyện, lớp 7 với phạm vi tỉnh và lớp 10 với phạm vi toàn miền Bắc. Với Trường văn hóa dân tộc miền Nam, Bộ Giáo dục cũng đề nghị tổ chức kỳ thi học sinh giỏi trong phạm vi trường. Ngoài ra, các tỉnh thuận lợi có thể mở rộng kỳ thi cho các môn học và lớp khác.
Sau năm 1975, kỳ thi chọn học sinh giỏi bắt đầu được tổ chức trên toàn Việt Nam. Từ đó, kỳ thi trải qua rất nhiều thay đổi về cả đối tượng dự thi, môn thi lẫn cách thức tổ chức. Theo quyết định số 3479/1997/QĐ-BGDĐT năm 1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng dự thi bao gồm học sinh lớp cuối bậc hoặc cấp học. Riêng với cấp phổ thông trung học, học sinh đang học lớp 11 cũng được phép dự thi.
Các học sinh lớp 5 khi đó sẽ phải thi đồng thời hai môn bắt buộc là Toán, Tiếng Việt và có thể các môn thi khác theo quy định hàng năm. Với lớp 9 và 12, mỗi thí sinh chỉ tham dự một môn thi. Mỗi tỉnh, hay trường đại học có khối lớp PTTH chuyên, sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tỉnh hay cấp trường đại học. Sau đó, một kỳ thi dành cho các thí sinh đạt giải trong kỳ thi tỉnh được tổ chức để chọn ra đội tuyển tham dự kỳ thi quốc gia.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hai bảng thi A và B với đề thi riêng cho từng bảng. Việc phân định bảng thi dựa trên ba căn cứ sau: vùng địa lý; kết quả kỳ thi của 3 năm trước đó; đăng ký chuyển bảng của địa phương. Phương thức phân thành hai bảng thi này được áp dụng cho đến khi bị loại bỏ vào năm 2007.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Theo quyết định năm 1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cấp |
Lớp |
Môn |
Thời gian* |
Đội tuyển** |
Tiểu học | 5 | Toán và Tiếng Việt | 90 phút/môn thi | 20-50 thí sinh |
Trung học cơ sở | 9 | Toán, Lý, Văn – Tiếng Việt, Ngoại ngữ | 150 phút/môn thi | 10 thí sinh |
Trung học phổ thông | 11 & 12 | Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin học, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ | 180 phút/môn thi | 8 thí sinh |
*Riêng các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh và Tin học lớp 12, mỗi môn có hai ngày thi. Thời gian: 180 phút/môn thi/ngày thi.
**Số lượng thí sinh cấp tiểu học phụ thuộc tổng số học sinh tiểu học của tỉnh thành. Số lượng thí sinh cấp THPT có ngoại lệ cho Hà Nội, TP. HCM và các trường đại học.
Bảng A
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đồng Nai, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Huế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Bảng B
Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc.
Riêng môn Tin học cấp PTTH, bảng A chỉ bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Tây, Nam Định, Thanh Hoá, Thừa Thiên – Huế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Huế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Bảng B gồm các đơn vị thi còn lại.
Tới năm 2007, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có nhiều thay đổi lớn, được quy định trong Quyết định Ban hành quy chế chọn học sinh giỏi số 52/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sĩ số đội tuyển các tỉnh chỉ còn 6 thí sinh. Việc phân bảng A và B cũng không còn tồn tại, chỉ còn một đề thi cho tất cả các đơn vị. Số buổi thi của các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học được rút lại chỉ còn một buổi với thời gian làm bài 180 phút. Các thí sinh đạt giải trong kỳ thi Chọn học sinh giỏi quốc gia cũng không còn được trực tiếp tuyển thẳng vào các trường đại học như trước đó.
Những thay đổi trong quy chế dẫn đến những thay đổi trong kết quả của kỳ thi Chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2007, đặc biệt với môn Toán. Trong 399 thí sinh dự thi môn Toán, chỉ có 41 thí sinh đạt giải, đạt tỉ lệ 10,28%, trong khi tỷ lệ đạt giải của tất cả các môn là 44,08%. Năm trước đó, tỷ lệ đạt giải môn Toán là 49% ở bảng A và 32% ở bảng B. Trong kỳ thi năm 2008, tỷ lệ học sinh đạt giải của môn Toán còn xuống mức thấp hơn, chỉ còn 8,4% với tổng số 33 giải. Kỳ thi Chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2008 có 38 giải nhất, nhưng hai môn Toán và Văn không có giải nhất nào.
Giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán
Năm |
Nhất |
Nhì |
Ba |
Khuyến khích |
Tổng |
2007 | 2 | 7 | 7 | 25 | 41 |
2008 | 0 | _ | _ | _ | 33 |
2009 | 1 | 23 | 61 | 46 | 131 |
2010 | 1 | 26 | 62 | 61 | 150 |
2011 | 2 | 39 | 62 | 108 | 211 |
2012 | 5 | 37 | 80 | 80 | 202 |
2013 | 4 | 40 | 69 | 106 | 219 |
2014 | 7 | 47 | 79 | 87 | 220 |
2015 | 1 | 47 | 74 | 99 | 221 |
2016 | 9 | 43 | 82 | 98 | 232 |
2017 | 9 | 49 | 75 | 91 | 224 |
2018 | 7 | 48 | 83 | 101 | 239 |
2019 | 7 | 41 | 91 | 88 | 227 |
2020 | 10 | 54 | 78 | 95 | 237 |
2021 | 9 | 55 | 77 | 95 | 236 |
2022 | 10 | 57 | 70 | 94 | 231 |
2023 | 11 | 59 | 71 | 97 | 238 |
Thể lệ
Trải qua nhiều năm, cách thức tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã có những thay đổi. Thể lệ của kỳ thi hiện nay được quy định trong Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, quy chế kỳ thi tiếp tục được sửa đổi, bổ sung qua thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT vào năm 2012, số 37/2013/TT-BGDĐT vào năm 2013 và số 02/2023/TT-BGDĐT năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tổ chức với các môn thi: Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và các môn Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc). Trừ môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy tính, các môn khác đều thi theo hình thức thi viết. Riêng các môn Vật lí, Hoá học và Sinh học có thêm hình thức thi thực hành, các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói.
Với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ, kỳ thi sẽ gồm hai buổi thi. Với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, kỳ thi chỉ có một buổi thi. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thể có thêm một buổi thi thực hành. Các buổi thi viết và buổi thi Tin học có thời gian 180 phút. Các buổi thi thực hành hay thi nói, thời gian không cố định mà có thể theo đổi theo từng năm.
Môn thi |
Số buổi thi |
Điểm tối đa |
Toán, Tin học | 2 buổi | 40 điểm |
Vật lý, Hóa học, Sinh học | 3 buổi | 42 điểm |
Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí | 1 buổi | 20 điểm |
Ngoại ngữ | 2 buổi | 20 điểm |
Đối tượng dự thi
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia dành cho các em học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông trên toàn quốc. Theo quy chế của kỳ thi, mỗi sở Giáo dục hay các trường đại học có đào tạo bậc phổ thông (như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội… ) và các trường dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được đăng ký là một đơn vị dự thi. Các thí sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia phải là thành viên đội tuyển của các đơn vị dự thi nói trên.
Hàng năm, vào khoảng giữa học kỳ I, các sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh và sau đó là kỳ thi chọn đội tuyển. Các em học sinh trung học phổ thông trên toàn tỉnh đều có cơ hội tham dự, nhưng thực tế, các thành viên của đội tuyển thường là học sinh của trường THPT chuyên của tỉnh đó. Với các đơn vị thi khác, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, các thí sinh cũng phải trải qua một kỳ thi chọn khắt khe để được lọt vào đội tuyển.
Thông thường mỗi một môn thi, đội tuyển của một tỉnh có tối đa 6 thành viên. Tuy nhiên, đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi liên tiếp ngay trước đó sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh. Đội tuyển mỗi môn thi của thủ đô Hà Nội có tối đa đến 12 thí sinh, và có thể được Bộ Giáo dục xét tăng lên đến 20 thí sinh dựa theo cùng điều kiện thành tích như trên. Những năm gần đây, số lượng thí sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lên đến khoảng 4.500 thí sinh cho tất cả các môn thi.
1: An Giang
2: Bà Rịa – Vũng Tàu
3: Bắc Giang
4: Bắc Kạn
5: Bạc Liêu
6: Bắc Ninh
7: Bến Tre
8: Bình Định
9: Bình Dương
10: Bình Phước
11: Bình Thuận
12: Cà Mau
13: Cần Thơ
14: Cao Bằng
15: Đà Nẵng
16: Đắk Lắk
17: Đắk Nông
18: Điện Biên
19: Đồng Nai
20: Đồng Tháp
21: Gia Lai
22: Hà Giang
23: Hà Nam
24: Hà Nội
25: Hà Tĩnh
26: Hải Dương
27: Hải Phòng
28: Hậu Giang
29: Hòa Bình
30: Hưng Yên
31: Khánh Hòa
32: Kiên Giang
33: Kon Tum
34: Lai Châu
35: Lâm Đồng
36: Lạng Sơn
37: Lào Cai
38: Long An
39: Nam Định
40: Nghệ An
41: Ninh Bình
42: Ninh Thuận
43: Phú Thọ
44: Phú Yên
45: Quảng Bình
46: Quảng Nam
47: Quảng Ngãi
48: Quảng Ninh
49: Quảng Trị
50: Sóc Trăng
51: Sơn La
52: Tây Ninh
53: Thái Bình
54: Thái Nguyên
55: Thanh Hóa
56: Thừa Thiên – Huế
57: Tiền Giang
58: TP. Hồ Chí Minh
59: Trà Vinh
60: Tuyên Quang
61: Vĩnh Long
62: Vĩnh Phúc
63: Yên Bái
65: Đại học Quốc gia Hà Nội
66: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
67: Trường ĐHSP Hà Nội
68: Trường Đại học Vinh
69: Trường PT Vùng cao Việt Bắc
70: Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh
71: Đại học Huế
72: Trường Đại học Tân Tạo
Tổ chức kỳ thi
Đề thi
Chịu trách nhiệm đề thi của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là Hội đồng soạn thảo đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập. Cơ cấu của hội đồng này bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thư ký, Tổ ra đề thi và lực lượng công an bảo vệ. Những thành viên giữ vai trò cao nhất của hội đồng (gồm chủ tịch, phó chủ tịch) đều là lãnh đạo của Cục Quản lý chất lượng hay Vụ Giáo dục Trung học hoặc Trưởng phòng Quản lý thi.
Ở mỗi môn thi, Tổ ra đề thi là những người trực tiếp soạn thảo đề thi cũng như hướng dẫn chấm thi. Một Tổ ra đề thi bao gồm Tổ trưởng, các ủy viên soạn thảo đề thi và các ủy viên phản biện đề thi. Họ đều là những chuyên gia khoa học, nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học hay các giáo viên giỏi cấp trung học phổ thông. Các giáo viên cấp trung học phổ thông tham gia Hội đồng soạn thảo đề thi phải là người thuộc biên chế của trường trung học phổ thông chuyên và không có học sinh dự thi tại năm tham gia Hội đồng soạn thảo đề thi.
Khu vực làm đề thi là một địa điểm kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt, thường là một khách sạn hay khu nghỉ dưỡng không xa Hà Nội. Những người làm việc trong khu vực làm đề thi phải đeo phù hiệu riêng và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép. Từ thời điểm tiếp xúc với đề thi đề xuất cho đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng, những người tham gia công tác làm đề bị cách ly với bên ngoài, không được sử dụng điện thoại di động, điện thoại cố định hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác. Trong trường hợp cần thiết, chỉ lãnh đạo Hội đồng soạn thảo được liên hệ bằng điện thoại cố định (dùng cho Hội đồng soạn thảo đề thi), dưới sự giám sát của công an, bảo vệ.
Quy trình ra đề thi bao gồm các bước: đề xuất đề thi, soạn thảo đề thi, phản biện đề thi và trực thi. Đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi thư mời đến một số các chuyên gia khoa học, các giảng viên, giáo viên có uy tín… đề nghị gửi đề thi đề xuất. Danh sách những người gửi và cả nội dung đề thi đề xuất đều sẽ được bảo mật. Những bài đề xuất này đều phải đáp ứng được các yêu cầu quy định và sẽ là căn cứ tham khảo quan trọng cho Hội đồng soạn thảo đề thi.
Tiếp theo, tại địa điểm ra đề, các Tổ ra đề thi sẽ tham khảo các đề thi đề xuất. Từ đó họ soạn thảo ra đề thi chính thức, đề thi dự bị và hướng dẫn chấm thi cho môn thi của mình. Uỷ viên phản biện sẽ đọc, đánh giá đề thi đã soạn thảo và đề xuất phương án chỉnh, sửa đề thi nếu thấy cần thiết. Tổ ra đề thi còn phải trực trong suốt thời gian thí sinh làm bài thi của môn mình phụ trách, để xử lý các vấn đề liên quan đến đề thi.
Ngày thi
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tổ chức thi tại từng đơn vị dự thi. Mỗi tỉnh, hay các đơn vị dự thi khác, sẽ thành lập một Hội đồng coi thi, và trong trường hợp cần thiết có thể lập một Hội đồng coi thi chung cho một số đơn vị. Thời điểm tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn định hàng năm, thường vào cuối học kỳ I.
Mỗi hội đồng coi thi sẽ bao gồm một Chủ tịch Hội đồng, hai Phó Chủ tịch Hội đồng, hai thư ký, các giám thị, cán bộ kỹ thuật cùng lực lượng công an, bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ. Trong số này, Chủ tịch Hội đồng, một Phó Chủ tịch Hội đồng, một thư ký cùng toàn bộ các giám thị đều phải là người của một đơn vị dự thi khác, phụ thuộc vào văn bản điều động của Cục Quản lý chất lượng. Đơn vị đặt Hội đồng thi có trách nhiệm tiếp đón, bố trí ăn ở cho các cán bộ, giáo viên… từ đơn vị khác đến tham gia Hội đồng coi thi. Giám thị các môn Tin học, Ngoại ngữ và các buổi thực hành môn Vật lý, Hoá học và Sinh học phải là giáo viên dạy chính môn đó ở cấp THPT.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thường được tổ chức tại các trường THPT chuyên của các tỉnh. Kỳ thi bao gồm ba ngày thi, trong đó buổi cuối dành cho thi thực hành các môn Vật lí, Hoá học và Sinh học. Kết thúc buổi thi cuối cùng, toàn bộ bài thi cùng hồ sơ, danh sách thí sinh sẽ được Hội đồng coi thi gửi về Cục Quản lý chất lượng.
Chấm thi
Tương tự Hội đồng soạn thảo đề thi, Hội đồng chấm chi cũng do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thư ký, Tổ chấm thi và lực lượng công an bảo vệ. Các vị trí Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng vẫn là lãnh đạo của Cục Quản lý chất lượng hay Vụ Giáo dục Trung học. Thành viên Tổ chấm thi của từng môn do các chuyên gia khoa học, nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học, giáo viên giỏi cấp trung học phổ thông đảm nhận.
Khu vực chấm thi cũng là địa điểm biệt lập, được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, những thành viên của Hội đồng chấm thi không bị cách ly hoàn toàn như Hội đồng soạn thảo đề thi. Các bài thi sẽ được bảo quản trong các phòng riêng với cửa được niêm phong nghiêm ngặt. Mỗi lần niêm phong, mở niêm phong phải có sự chứng kiến của lãnh đạo Hội đồng chấm thi, thanh tra và thư ký.
Bài thi của thí sinh được chuyển từ các Hội đồng coi thi về Cục Quản lý chất lượng, sau đó được giao cho Hội đồng chấm thi chịu trách nhiệm. Ở đây, bài thi sẽ được đánh phách, dọc phách, trước khi đưa tới các Tổ chấm thi.
Bài thi của mỗi buổi thi được chấm theo thang điểm 20, trừ các buổi thi thực hành. Điểm của kỳ thi sẽ là tổng điểm bài thi của các buổi thi. Tất cả điểm thi, điểm từng bài thi và các điểm thành phần đều không được làm tròn. Mỗi bài thi của thí sinh sẽ có ít nhất hai giám khảo chấm độc lập. Trong trường hợp có sự chênh lệch điểm giữa hai lần chấm, việc xử lý kết quả chấm được thực hiện:
- Nếu điểm chênh lệch không vượt quá 1,0 điểm đối với các môn Khoa học Tự nhiên và không vượt quá 2,0 điểm đối với các môn Khoa học Xã hội và Ngoại ngữ, hai giám khảo đã chấm bài thảo luận để thống nhất điểm; trường hợp không thống nhất được điểm, các giám khảo báo cáo Tổ trưởng để cùng thảo luận, thống nhất điểm;
- Nếu điểm chênh lệch vượt quá 1,0 điểm nhưng không vượt quá 2,0 điểm đối với các môn Khoa học Tự nhiên và vượt quá 2,0 điểm nhưng không vượt quá 4,0 điểm đối với các môn Khoa học Xã hội và Ngoại ngữ, hai giám khảo đã chấm bài báo cáo Tổ trưởng để cùng thảo luận, thống nhất điểm;
- Nếu điểm chênh lệch vượt quá 2,0 điểm đối với các môn Khoa học Tự nhiên và vượt quá 4,0 điểm đối với các môn Khoa học Xã hội và Ngoại ngữ, tùy theo mức độ, Tổ trưởng có thể yêu cầu toàn Tổ chấm thi chấm tập thể bài thi hoặc yêu cầu giám khảo thứ ba chấm lại bài thi, sau đó Tổ trưởng và ba giám khảo đã chấm bài thảo luận, thống nhất điểm;
- Mọi trường hợp không đạt được sự thống nhất điểm giữa Tổ trưởng và các giám khảo đã chấm bài đều phải được đưa ra Tổ chấm thi để chấm tập thể.
Sau khi việc chấm thi kết thúc, các Tổ chấm thi sẽ đề xuất phương án xếp giải. Công việc ghép phách, lên điểm thi chỉ được thực hiện sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt phương án xếp giải.
Các thí sinh có quyền xin phúc khảo bài thi khi có nguyện vọng. Hồ sơ xin phúc khảo bao gồm đơn xin phúc khảo bài thi của thí sinh và công văn đề nghị lãnh đạo đơn vị dự thi. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng phúc khảo với các thành viên không tham gia trong Hội đồng chấm thi trước đó. Trường hợp giữa điểm chấm phúc khảo và điểm đã chấm có sự chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các giám khảo chấm phúc khảo với các giám khảo chấm thi đợt đầu sẽ được tổ chức và Chủ tịch Hội đồng phúc khảo sẽ quyết định điểm chấm phúc khảo. Điểm thi của thí sinh chỉ được thay đổi nếu điểm chấm phúc khảo chênh lệch với điểm chấm của Hội đồng chấm thi từ 1,0 điểm trở lên.
Giải thưởng
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia chỉ xếp các giải cá nhân cho từng môn thi, bao gồm các giải: Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Với mỗi môn thi, tổng số giải từ Khuyến khích trở lên không được vượt quá 50% số thí sinh dự thi, trong đó tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Các thí sinh đạt giải sẽ nhận được Giấy chứng nhận học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Cục Quản lý chất lượng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp nếu phát hiện người được cấp Giấy chứng nhận vi phạm Quy chế thi trong kỳ thi hoặc việc xếp giải và cấp Giấy chứng nhận được thực hiện không đúng quy định.
Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc:
- Học sinh đoạt từ giải Ba trở lên được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho từng môn thi. Học sinh đoạt giải Khuyến khích được tuyển thẳng vào Cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho từng môn thi.
- Trường hợp không sử dụng quyền được tuyển thẳng quy định trên, học sinh đoạt giải đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo khối thi có môn đoạt giải, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên và không có môn nào bị điểm 0 được tuyển vào đại học (đối với học sinh đoạt từ giải Ba trở lên) và cao đẳng (đối với học sinh đoạt từ giải Khuyến khích trở lên).
Ngoài ra, theo quyết định số 110/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 9 năm 2020, các thí sinh đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng với các mức: giải Nhất: 4 triệu đồng; giải Nhì: 2 triệu đồng; giải Ba: 1 triệu đồng.
Tài liệu tham khảo
- Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 1/VBHN-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 6 tháng 3 năm 2023.
- Công văn về tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2022-2023, số 2356/QLCL-QLT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 16 tháng 1 năm 2023.
- Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 02/2023/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- Thông tư Ban hành Quy chế thi chọn lọc học sinh giỏi cấp quốc gia, văn bản hợp nhất số 22/VBHN-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 25 tháng 8 năm 2014.
- Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 37/2013/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 27 tháng 11 năm 2013.
- Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số 41/2012/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 19 tháng 11 năm 2012.
- Thông tư Ban hành Quy chế thi chọn lọc học sinh giỏi cấp quốc gia, số 56/2011/TT-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 25 tháng 11 năm 2011.
- Thông tư Hướng dẫn một số điều của quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông, số 24/1997/TT-BGD, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 29 tháng 12 năm 1997.
- Quyết định Về việc ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia các bậc học phổ thông, số 3479/1997/QĐ-BGDĐT, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 01 tháng 11 năm 1997.
- Thi HS giỏi quốc gia 2007: Trên 44% thí sinh đoạt giải, tác giả Quý Hiên, Báo Tiền Phong, ngày 10 tháng 3 năm 2007.
- HS giỏi quốc gia 2008: Văn và Toán không có giải nhất, tác giả Quý Hiên, Báo Tiền Phong, ngày 1 tháng 3 năm 2008.
- Một góc nhìn về học sinh giỏi quốc gia năm 2017, tác giả Quốc Thắng, Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 19 tháng 2 năm 2017.
- Đổi mới để nâng cao chất lượng thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Trung tâm Truyền thông giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 15 tháng 5 năm 2023.